Bể bơi được thiết kế làm bằng khung sắt dễ dàng tháo lắp, di chuyển, sử dụng loại bạt dày có khả năng chịu áp lực cao, có thể đồng thời chứa được 10 người với tổng chi phí khoảng 10 triệu đồng. Đây là sáng kiến của thầy giáo Ngô Minh Thanh - chuyên viên Phòng GD Thường xuyên (Sở GD-ĐT Nghệ An). Công trình này đã được tặng cho trường tiểu học miền núi để dạy bơi cho học sinh.
Học bơi trong bể mini
Trung tuần tháng 9/2016, một chiếc bể bơi mini của thầy Thanh cùng 3 cộng sự của mình đã được tặng cho Trường Tiểu học thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An).
“Chỉ sau 3 ngày lắp đặt và đưa vào sử dụng, sáng qua tôi lên kiểm tra, thấy một số em đã có thể bơi được”, thầy Thanh vui mừng thông tin.
Với sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên thể dục, lớp học viên bơi lội đầu tiên của Trường Tiểu học Thị trấn Anh Sơn vùng vẫy trong bể nước chỉ vỏn vẹn 24m2, thiết kế hết sức đơn giản gồm bằng khung sắt, các tấm tôn và bạt chống thấm nước.
“Ngày 29/5/2016, tôi nhận được thông tin, chỉ trong vòng 1 ngày, trên địa bàn Nghệ An đã có 5 học sinh ở 3 cấp học bị đuối nước. Thống kê số học sinh đuối nước đau đớn lắm. Tôi nghĩ, cần phải thay đổi báo cáo học sinh đuối nước bằng số liệu báo cáo học sinh được trang bị kỹ năng bơi lội. Vấn đề phòng chống đuối nước ở trẻ em được bàn nhiều rồi, từ Bộ đến Sở đã có nhiều văn bản chỉ đạo rồi, ai cũng nghĩ là phải dạy bơi cho học sinh nhưng cứ đợi phải có bể bơi mới dạy thì bao lâu nữa mới triển khai được. Hay mang các cháu ra dạy trên sông, trên ao hồ thì nguy cơ mất an toàn cao. Tại sao cứ phải có bể lớn mới dạy được trong khi chúng ta chưa có khả năng làm cũng như “nuôi” nó?”, thầy Thanh trăn trở.
Thiết bị hồ bơi được sử dụng các thanh thép làm khung, cố định với nhau bằng vít, có thể tháo lắp dễ dàng, thầy Thanh lót thành bể bằng những tấm tôn rồi phủ thêm một lớp bạt chống thấm nước và tận dụng chiếc máy bơm nước của gia đình để cung cấp nước cho bể. Chiếc bể được hình thành với giá thành chưa đến 10 triệu đồng. Với kích thước 6x4x1m, chiếc bể có thể chứa từ 14-17m3 nước (chỉ bơm đến 0,8m chiều cao thành bể). Bên cạnh kích thước nhỏ, cơ động, giá thành phù hợp, chiếc bể bơi có thể sử dụng ngay cả trong mùa đông nếu các trường trang bị thêm bình nóng lạnh và lắp đặt trong nhà đa chức năng, kín gió.
Dân vũ hóa việc học bơi
Trước khi ý tưởng làm bể bơi dạy học sinh, thầy Thanh hoàn toàn không biết bơi bởi lẽ cụ thân sinh của thầy "cấm tiệt" con cái học bơi vì sợ nguy hiểm. Bởi vậy, cùng với việc hiện thực hóa ý tưởng làm bể bơi thì thầy Thanh phải học bơi để tự mình thẩm định “công trình” của mình. Nghiên cứu kỹ lý thuyết, tưởng tượng trong đầu óc rồi “tập bơi cạn” trên… giường. Khi đã thành thục các động tác, cách lấy hơi, nín thở… thầy Thanh chuyển ra chính chiếc bể của mình để tập bơi.
Thầy Thanh nói: “Bằng kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy học bơi không khó. Nhưng người ta thích “đi tắt” hơn, lúc nào cũng nghĩ phải có cái bể bơi thật to mới dạy bơi được. Nếu các em học sinh được trang bị kiến thức về bơi, kỹ năng phòng tránh đuối nước ví như không biết bơi thì không xuống nước chẳng hạn thì sẽ hạn chế được nhiều cái chết thương tâm.
Chiếc bể bơi giá 10 triệu đồng là cụ thể hóa của thầy Thanh khi thực hiện kế hoạch “Giáo dục phòng chống đuối nước trong trung tâm cộng đồng” mà Phòng GD Thường xuyên, Sở GD-ĐT Nghệ An đề xuất. Nội dung của kế hoạch này là ưu tiên thời gian giáo dục phòng chống đuối nước; Phụ huynh cùng tham gia vào giáo dục phòng chống đuối nước; Thay đổi cách dạy bơi cho học sinh.
Giờ chào cờ, thể dục giữa giờ, chỉ cần 5 phút thôi, giáo viên có thể hướng dẫn các em về các động tác bơi trên cạn. Khi các động tác nhuần nhuyễn thì chuyển sang học bơi dưới nước. Mỗi cái bể như thế này giá thành không quá 10 triệu đồng, tôi nghĩ Ban giám hiệu nhà trường, Phòng GD và địa phương tâm huyết thì không quá khó để làm. Như ở Trường Tiểu học Thị trấn Anh Sơn chẳng hạn, mới có 3 ngày mà một số em đã bơi thành thạo, các em chậm hơn thì mất vài ngày nữa. Cứ mỗi đợt 1 tuần, 10 em học bơi thành thạo. Hết lớp này đến lớp khác, kiên trì, tâm huyết thì tôi nghĩ phổ cập bơi cho học sinh không phải là điều quá khó”.
Thầy giáo 56 tuổi đang nghĩ cách dân vũ hóa các động tác học bơi để các học sinh học tập trung hơn tại các buổi sinh hoạt chung. Theo thầy Thanh các động tác bơi sẽ được dàn dựng theo nhịp điệu của bài hát "Chú ếch con" cho học sinh dễ tiếp thu.
Hiện tại thầy Thanh đang tiếp tục cải tiến chiếc bể bơi, gắn thêm các trục đỡ để nâng học sinh khi bắt đầu làm quen. “Chiều dài của bể bơi có thể điều chỉnh nhưng chiều cao thì vẫn phải giữ nguyên, khung tay cầm bên thành bể vẫn phải được giữ nguyên để bố mẹ có thể đứng ngoài bể, giữ cho con tập. Theo tôi, sự có mặt của bố mẹ hay việc bố mẹ tham gia vào việc dạy bơi cho con rất quan trọng, giúp các cháu yên tâm, giảm áp lực và nỗi sợ hãi cho trẻ”, thầy Thanh tâm sự tiếp.
Mong muốn nhân rộng bể bơi mini về tận địa phương, thầy Thanh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bất kỳ trường học hay địa phương nào có nhu cầu.